Tăng cường hợp tác song phương
Hội thảo nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản. Đây cũng là diễn đàn để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, các bên liên quan của 2 nước gặp gỡ, tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp và cơ hội thiết thực nhằm đẩy mạnh hợp tác, nhất là trong bối cảnh xu thế phát triển xanh hơn và bền vững hơn trên toàn thế giới, trong đó các giải pháp khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt.
Ông Erling Rimestad, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy và ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội thảo.
Ngoài ra còn có sự tham dự của bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; ông Arne-Kjetil Lian, Giám đốc cơ quan Thương vụ Inovation Norway, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội; ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng hải sản Na Uy (NSC); ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; cùng đại diện của các bộ, ngành như: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Đặc biệt, một số công ty Na Uy và các nhà nhập khẩu Việt Nam cũng có mặt tại Hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản (NTTS), cũng như thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản.
Ảnh 2: Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ tại Hội thảo (ảnh Hải Đăng)
Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy cho biết: “Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, NTTS, hàng hải và coi đây là một trong những trọng tâm của hơn 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971”.
Lần đầu đến Việt Nam, ông Erling Rimestad, Quốc Vụ khanh đánh giá cao mối quan hệ song phương giữa 2 nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản. Ông nói: “Na Uy và Việt Nam cùng quan tâm tới phát triển công bằng và bền vững nghề cá và ngành thủy sản trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò phần quan trọng để đảm bảo thành công. Nhiều cơ hội mới cũng mở ra từ đây để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống của chúng ta”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy dành cho Bộ NN&PTNT, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản trong hơn 30 năm qua, từ xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực. Hội thảo lần này là cơ hội để 2 bên làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại thủy sản, hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác nêu trong Ý định thư mà 2 bên đã ký vào tháng 5/2021.
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã cập nhật những thông tin về thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm vừa qua; đồng thời chia sẻ những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển trong những thập kỷ tới.
Học hỏi thêm kinh nghiệm từ Na Uy
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: “Tôi có ấn tượng rất sâu sắc về những thành tựu và công nghệ tiên tiến của Na Uy trong phát triển ngành thủy sản. Na Uy là quốc gia có lĩnh vực khai thác và NTTS tiên phong trên thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của hàng thủy sản Na Uy trên toàn cầu”.
Chia sẻ về kết quả của ngành thủy sản Việt Nam năm 2022, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,1% so với năm 2021; tổng sản lượng đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021. Trong đó cá tra đạt 2,4 tỷ USD; tôm 4,3 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD; nhuyễn thể 0,15 tỷ USD; mực và bạch tuộc 0,76 tỷ USD; cua ghẹ và giáp xác khác 0,23 tỷ USD; cá khác 2,1 tỷ USD.
Ảnh 3: Ông Trần Đình Luân giới thiệu định hướng nuôi biển Việt Nam (ảnh Hải Đăng)
Riêng đối với lĩnh vực nuôi biển, ông Trần Đình Luân cho hay, diện tích nuôi biển năm 2022 là 85.000 ha; tốc độ tăng trưởng bình quân 23.3%/năm (chưa gồm 202.000 ha nuôi xen ghép các đối tượng khác); với 8,9 triệu m3 lồng. Sản lượng nuôi biển năm 2022 đạt 750.000 tấn; tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Tổng số cơ sở nuôi biển (thống kê chưa đầy đủ) tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè.
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ: Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển, tuy nhiên cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong quy hoạch, hạ tầng nuôi, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực...Vì vậy, ông Trần Đình Luân bày tỏ mong muốn Na Uy sẽ hỗ trợ xây dựng chính sách, quy hoạch, bảo vệ môi trường trong nuôi biển quy mô công nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn/quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nuôi biển công nghiệp phù hợp với điều kiện của Việt Nam; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nuôi biển Việt Nam theo kinh nghiệm phát triển sản phẩm cá hồi của Na Uy; đào tạo nghề cho phát triển nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam…
Cùng nhau phát triển bền vững
Trong dịp này, NSC đã công bố kế hoạch hoạt động tại Việt Nam. Ông Asbjørn Warvik Rørtveit cho biết: “Trong năm 2023, NSC sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở Việt Nam để ngày càng có nhiều khách hàng biết tới sự hiện diện của hải sản Na Uy. Chúng tôi cũng có những chương trình, kế hoạch gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước”.
Ảnh 4: Toàn cảnh hội thảo (ảnh Hải Đăng)
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Na Uy chỉ đạt 9,3 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ Na Uy đạt gần 260 triệu USD. Hiện, Việt Nam nhập khẩu thủy sản từ 100 quốc gia. Na Uy chiếm 10 - 12%, đứng thứ 2 - 3 trong các nhà cung cấp thủy sản cho Việt Nam. Phần lớn thủy sản nhập khẩu từ Na Uy về Việt Nam để chế biến và tái xuất khẩu. Điều này có thể thấy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Na Uy còn quá khiêm tốn. Theo đó hy vọng phía Na Uy sẽ có những hỗ trợ để thủy sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này.
Với đường bờ biển dài tương tự nhau, Na Uy và Việt Nam đều là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới: Na Uy giữ vị trí thứ 2 và Việt Nam hiện đứng thứ 3. Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và NTTS tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển NTTS bền vững và có trách nhiệm. Thông qua việc hợp tác cùng nhau, Na Uy và Việt Nam có thể phát triển xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành và trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm.
Hải Đăng